ĂN MÌ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CÂN BẰNG DINH DƯỠNG

Câu hỏi liên quan đến mì ăn liền

Phần 4 – Mì ăn liền và cân bằng dinh dưỡng

Nguồn AloBacsi.com (Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí)

Chiều 23/3, bác sĩ của “y khoa vui vẻ” – Lương Lễ Hoàng đã dành hơn 2 giờ đồng hồ để tư vấn, trao đổi trực tiếp cùng bạn đọc AloBacsi về những câu hỏi xoay quanh gói mì ăn liền.

NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

– Trịnh Ngọc Minh Thương – Trần Nhân Tôn, Q.5, TPHCM

Có “oan ức” khi cho rằng mì ăn liền không có giá trị dinh dưỡng và không có ích cho sức khỏe? Nếu một tô mì có cho thêm thịt và rau thì có cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn 1 bữa ăn bình thường?

BS Lương Lễ Hoàng:

Người hỏi đã tự trả lời. Nếu mì ăn liền không có giá trị dinh dưỡng, không có ích cho sức khỏe, làm sao món này tồn tại cả trăm năm? Món ăn công nghệ nào nếu được châm thêm món tươi tất nhiên cũng bổ ích hơn chỉ dùng nguyên bản theo kiểu đời ta ngày nào cũng thế mà thôi.

– Cao Thanh Bình – binhcaothanh…gmail.com

Chào bác sĩ, cháu có một bé trai năm nay 3 tuổi. Cách đây 1 tuần cháu có đi công tác nên để chồng chăm sóc con. Vì tính chồng cháu hơi lười nên bố pha mì gói ăn sáng thì tiện thể pha luôn cho con 1 chén nhỏ nhưng không bỏ dầu, chỉ thêm một ít gia vị và nước sôi. Cháu về thấy vậy rất xót con, không cho ăn nữa mà thay bằng cháo như bình thường, thấy thế bé ăn vạ, khóc lóc đòi ăn mì giống như bố cho ăn. Xin hỏi BS, trẻ còn nhỏ như vậy ăn mì thay cháo buổi sáng có đủ dinh dưỡng không ạ? Cháu nên dứt khoát thay đổi món ăn cho con hay để nguyên như vậy nhưng thêm thực phẩm khác như thịt xay, tôm xay ạ? Cháu xin cám ơn BS?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào chị Bình,

Dùng mì ăn liền cho trẻ điểm tâm không có gì bất lợi cho sức khỏe nếu đừng quên đa dạng hóa” khẩu phần với nước trái cây, sữa chua. Thêm được thịt cá, rau quả vào phần mì càng hay.

Trẻ con khác với người lớn ở chỗ thành thật, thương nói thương, ghét nói ghét. Ngày nào trẻ còn ăn ngon, thường món ăn đang đáp ứng đúng nhu cầu tăng trường của trẻ.

Đừng ép trẻ ăn theo định kiến của người lớn, đứng bắt trẻ phải ăn món người lớn nuốt không vô.

– Lê Thị Hồng Hoa – Q.Tân Phú, TPHCM

Hai con tôi dạo này hay ăn mì ăn liền của Hàn Quốc. Nhưng tôi thấy vắt mì quá lớn, nước sốt cũng rất nhiều. Tôi đang lo khẩu phần ăn như vậy có lớn quá không? Các cháu ăn nhiều sẽ quen dạ và mập. Xin hỏi, các con tôi (14 và 21 tuổi) nên ăn khẩu phần bao nhiêu là đủ? Ăn mì ăn liền thay cơm có được không? Kính lời chúc sức khỏe và cảm ơn bác sĩ đã tư vấn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Tùy theo độ tuổi, cân nặng mà cần thiết kế cho cháu một khẩu phần ăn phù hợp, đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bao gồm chất đạm, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất.

Tương tự như cơm, mì ăn liền là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu từ tinh bột, bên cạnh đó còn có một lượng chất đạm, chất béo.

Các thông tin dinh dưỡng này đã được nhà sản xuất công bố trên bao bì sản phẩm. Do đó bạn nên tham khảo để bổ sung các thực phẩm khác như thịt, trứng, các loại rau xanh, củ, quả… vào khẩu phần ăn hàng ngày để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng bạn nhé.

– Tùng Anh – Q.7, TP.HCM

Chào BS Lương Lễ Hoàng. Con trai tôi năm nay 2 tuổi, cháu rất thích ăn mì gói sống, không biết như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không? Mỗi lần được cho ăn mì, mặt mày cu cậu hớn hở lắm. Hai tay hai miếng, rơi một cọng nhỏ cũng phải nhặt cho bằng được. Xin hỏi BS, ở độ tuổi của cháu có nên cho ăn mì gói chưa ạ? Ăn mì sống có được không, hay phải nấu chín? Xin cảm ơn BS.

BS Lương Lễ Hoàng:

Trẻ con từ độ tuổi biết ăn bao giờ cũng thích các món snack vì hội đủ tiêu chí làm hài lòng vị giác rất nhạy cảm của trẻ. Đó là món có tinh bột, món mằn mặn và giòn giòn. Nhiều trẻ vì thế thích ăn mì ăn liền. Thỉnh thoảng thì không sao, vì mì ăn liền qua công nghệ sản xuất tiên tiến chẳng khác nào bánh biscuit, miễn là đừng quên cho uống nhiều nước ngay sau khi ăn.

Không nên cho trẻ 2 tuổi ăn quá thường, không vì mì ăn liền hại cho sức khỏe, như nhiều bản tin giật gân trên truyền thông, nhưng vì ở độ tuổi này trẻ rất cần chế độ dinh dưỡng đa dạng.

– Vũ Thị Hòa – vuhoa0703198…@gmail.com, Uông Bí, Quảng Ninh

Chào BS,

Tôi nghe nói dinh dưỡng trong mì tôm chủ yếu là cung cấp bột và đạm thực vật. Nếu ăn mì tôm thường xuyên sẽ mất cân bằng dinh dưỡng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe? Không biết điều này có đúng không? Mong BS tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn BS.

BS Lương Lễ Hoàng:

Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng cấp thời. Đang đói meo, đang mệt nhoài, đang tụt đường huyết thì mì ăn liền là… thuốc!

Đạm thực vật là thành phần vừa cần thiết cho cấu trúc của tế bào vừa an toàn hơn đạm động vật vì không gây phản ứng bất lợi như tăng mỡ máu, tăng acid uric trong bệnh gút. Tuy vậy, chế độ dinh dưỡng nào hễ đơn điệu bao giờ cũng bất lợi. Mì ăn liền tốt cho sức khỏe nếu chế biến một chút, thêm thịt cá, dặm rau cải, thay vì chỉ thêm mắm dặm muối.

– Bạn đọc Ngô Văn Hải – Q.Hoàng Mai, Hà Nội

Tôi thường xuyên và rất thích ăn mì tôm. Tôi thường chế biến món mì theo sở thích như cho thêm thịt, rau hay xúc xích… nhưng tôi nghe nói những thực phẩm ăn theo sẽ khiến cơ thể nạp thêm quá nhiều carbohydrate và chất béo vào cơ thể dẫn tới hàm lượng chất béo, calo tăng cao từ đó gây béo phì và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì như tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao… BS tư vấn xem em nên ăn theo cách nào để vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng?

BS Lương Lễ Hoàng:

Thực phẩm cho dù nhiều năng lượng, giàu dưỡng chất chỉ gây béo phì, chỉ dẫn đến rối loạn biến dưỡng nếu “thực khách” nhập vào mà không dùng. Với người lao tâm lao lực, với người tất bật ngày đêm, mì ăn liền thêm thịt cá có khi còn chưa đủ. Với người ăn không ngồi rồi, đóng đinh trước máy truyền hình, thức khuya quẹt máy tình bảng thì nửa phần mì gói cũng là thừa. Khỏe hay mau bệnh là do có mất quân bình cung cầu hay không!

– Trần Ngọc Bảo Hân – sinh viên tại Đồng Nai

Hàm lượng tinh bột của mì gói là bao nhiêu thưa bác sĩ? Em đang giảm cân, không muốn ăn cơm, bánh để giảm tinh bột, vì muốn thực hiện hướng dẫn của huấn luyện viên. Thưa bác sĩ, một gói mì tương đương bao nhiêu phần của chén cơm hay bằng một chén cơm. Em cũng rất hay ăn mì gói nên muốn biết tỉ lệ này để cân đối. Cảm ơn bác sĩ.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn Bảo Hân,

Tùy theo loại mì ăn liền, làm lượng tinh bột trong mỗi vắt mì không quá 60%. Lượng tinh bột nói chung trong mì bằng phân nửa trong gạo. Do đó, người muốn giảm cân có khẩu phần ít Kalo hơn với lượng mì tương đương lượng gạo. Đó là lí do tại sao nhiều thầy thuốc khuyên bệnh nhân tiểu đường nên thay cơm trắng bằng mì, nui, bún… để có cảm giác no bụng mà không tăng lượng đường lên máu.

– B.Trân – Long An

Chào BS Lương Lễ Hoàng, tôi năm nay 42 tuổi sống ở Long An, tôi rất hay ăn mì gói (xin hỏi BS Hoàng có thường xuyên ăn mì gói?) nhưng không biết ăn thế nào là đúng cách? Khi ăn mì có cần bổ sung thêm thực phẩm gì để đảm bảo dinh dưỡng? Xin cảm ơn BS.

BS Lương Lễ Hoàng:

Vì thường ăn mì gói nên tôi mới “thương mì thương cả đường đi”. Ăn mì gói đúng cách bao gồm nước thật sôi, thời gian trụng mì đừng quá lâu, chêm thịt cá rau cải gọi là “ăn độn” và quan trọng chính là bối cảnh ăn mì.

Ăn mì gói hại nhất cho sức khỏe là khi phải đồng hành gương mặt “thấy ghét” của người cùng bàn, khi phải nghe câu chuyện “trái tai” trên bàn ăn. Giận căm gan, tức cành hông thì uống nước lã cũng có hại!

– Nguyễn Bảo Trang – Âu Dường Lân, Q.8, TPHCM

Chào AloBacsi,

Ba em là kỹ sư cầu đường, hằng ngày phải thường xuyên đi khắp nơi. Vì không có mẹ bên cạnh nên bữa ăn cũng đạm bạc, đôi khi phải mang theo mì gói hoặc lương khô trong người để dự trữ những ngày không kịp ăn. Xin hỏi AloBacsi, với những người làm việc nặng như ba em thì mỗi bữa chỉ ăn mì gói thì có cung cấp đủ năng lượng không ạ?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chất lượng là tiếng kép. Hình thức dinh dưỡng chỉ với mì ăn liền thường đủ năng lượng nhưng không đủ dưỡng chất. Cần ăn thêm, thậm chí nếu quá lao tâm lao lực phải dùng thuốc bổ như sinh tố, khoáng tố, acid amin. Cho dù không có bóng hồng bên cạnh, đàn ông dù bận bịu cách mấy vẫn có thể tự lo cho mình một bữa ăn đúng nghĩa ngon lành, nghĩa là vừa ngon vừa lành, chẳng hạn với nguyên liệu chính là mì ăn liền nhưng nay chế mai biến. Đàn ông thường ngụy biện!

– Nguyễn Bảo Nam – quận Gò Vấp, TPHCM

Chào bác sĩ,

Do tính chất công việc nên từ lâu nay, mì ăn liền luôn là bạn đồng hành với tôi. Tôi thường xuyên ăn nó khi không có nhiều thời gian, tôi ăn 2 gói 1 lúc và cũng có cảm giác rất no lâu. Nhiều người bảo do tôi ăn 2 gói là nhiều nên no lâu là đúng. Tuy nhiên, tôi bình thường tôi ăn tới 3-4 bát cơm cũng không có cảm giác như thế. Xin hỏi:
– Cảm giác no lâu đó từ đâu mà ra? Cùng là tinh bột, có phải mì gói có tính chất no lâu hơn cơm, gạo?
– Ăn mì gói với số lượng 2 gói/ ngày, có khi tới 4 gói/ ngày thì có làm sao không? Các bữa khác tôi có bổ sung các chất dinh dưỡng khác nên có yên tâm chưa?
Cảm ơn bác sĩ đã đọc và giải đáp.

BS Lương Lễ Hoàng:

Cảm giác no lâu hay mau đói tùy thuộc vào tiến độ tiêu hao năng lượng và mức độ cung ứng năng lượng của món ăn, cơm bao giờ cũng mau đói hơn mì, nui, bún… Đừng so sánh làm chi cho uổng thời giờ là tiền bạc.

Không hẳn ăn nhiều mới no lâu. Bằng chứng là ông bà có dạy “ăn ít nói dai”. Thêm vào đó, nhiều ít mới ít miếng bỗng no ngang. Có thể vì bệnh, chẳng hạn viêm gan, có thể vì món ăn dở ẹc, cũng có thể vì phải đối diện với người cùng bạn thuộc tiêu chí “ước gì anh đã không chọn bàn này!”. Chỉ dựa vào cảm giác no đói e là thiếu khách quan.

Chế độ dinh dưỡng nào đơn điệu và cường điệu đều bất lợi cho sức khỏe. Tại sao đến 4 lần mì gói trong ngày trong khi xứ mình thiếu gì món khác?

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe – AloBacsi.vn

Nguồn: http://alobacsi.com/hoat-dong-cua-chung-toi/bs-luong-le-hoang-bac-si-cua-y-khoa-vui-ve-giao-luu-truc-tuyen-tu-van-cung-ban-doc-alobacsi-a201703271108181c833.htm

Có thể bạn quan tâm
Thực hư mì ăn liền có hại đến gan và thận?
16/11/2021 Sự thật về mì

Cực kỳ mê mì ăn liền nhưng nhiều người ít dám thưởng thức thường xuyên. Một trong những lý do ngần ngại chính là tác hại với gan, thận của mì ăn liền mà ta vẫn thường nghe nhắc tới. Nhưng có thật mì ăn liền hại gan, hại thận như nhiều người vẫn truyền […]

Xem thêm  
Ăn mì tôm có gây hại sức khoẻ?
09/11/2021 Sự thật về mì

Cho rằng ăn mì tôm không tốt và hoàn toàn có hại cho sức khỏe. Điều đó có đúng không? Hãy cùng tìm hiểu 3 thông tin thú vị về mì tôm nhé! Mì tôm có quá trình sản xuất nghiêm ngặt Theo các chuyên gia công nghệ thực phẩm, quy trình sản xuất mì […]

Xem thêm  
Bị nổi mụn có nên ‘quy tội’ cho mì tôm?
09/11/2021 Sự thật về mì

Mì tôm là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, không ít chị em lo ngại ăn nhiều mì tôm sẽ nổi mụn, ảnh hưởng xấu đến làn da. Ngọc Hoa (25 tuổi, TP.HCM) là chuyên viên thiết kế tại một công ty quảng cáo. Cô chia sẻ mì tôm là món ăn yêu […]

Xem thêm  
Bạn muốn cùng chúng tôi
xây dựng thương hiệu
Acecook Việt Nam vững mạnh?