SỰ THẬT VỀ CHẤT BÉO XẤU TRONG MÌ ĂN LIỀN

Câu hỏi liên quan đến mì ăn liền

Phần 5 – Chất béo Transfat trong Mì ăn liền

Nguồn AloBacsi.com (Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí)

Chiều 23/3, bác sĩ của “y khoa vui vẻ” – Lương Lễ Hoàng đã dành hơn 2 giờ đồng hồ để tư vấn, trao đổi trực tiếp cùng bạn đọc AloBacsi về những câu hỏi xoay quanh gói mì ăn liền.

NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

– Bạn đọc Lê Vỹ – Sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Thưa BS Lương Lễ Hoàng,

Em là fan hâm mộ bác và thường xuyên theo dõi các buổi trò chuyện y khoa của bác trên sóng.

Gần đây em cũng có đọc những thông tin bác trao đổi trong các buổi nói chuyện cuối tuần liên quan đến mì gói.

Em xin phép trích 1 đoạn trong bài: “Bị ung thư do ăn nhiều mì tôm”: Chuyên gia nói gì?” có đoạn viết:

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, nguyên Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho hay: “Trong mì tôm chứa nhiều chất béo bão hòa, nhất là chất béo chuyển hóa (transfat), tinh bột, muối nhưng lại ít chất xơ. Khi ăn quá nhiều mì ăn liền có chất béo transfat gia tăng các bệnh về chuyển hóa như rối loạn lipid máu. Trong mì ăn liền có nhiều muối cũng làm gia tăng bệnh cao huyết áp, tim mạch, tạo gánh nặng cho thận”.

Cũng theo như cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất béo transfat làm gia tăng cholesterol xấu trong máu tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch. Chất béo transfat khi đi vào cơ thể sẽ hình thành nên các mảng mỡ bám vào thành mạch gây hẹp lòng mạch cản trở lưu thông máu. Gây ra  nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Khi máu bị tắc nghẽn ở não gây nhồi máu não, tắc nghẽn ở tim gây nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn ở chi gây hoại tử các chi.

Một số nghiên cứu về mì tôm cho thấy các chất phụ gia, màu thực phẩm, muối, chất béo bão hòa, ít chất xơ… nếu ăn nhiều trong một thời gian dài dễ gây ra táo bón. Tình trạng táo bón kéo dài có thể làm tăng nguy cơ các bệnh về đường tiêu hóa trong đó có trực tràng.

Một bài khác: Mì ăn liền – “kẻ giết người” thầm lặng đáng sợ

Sự hấp dẫn, tiện lợi của gói mì ăn liền đã khiến chúng ta bị “đầu độc” một cách nhẹ nhàng mà không hề hay biết. Nhưng vì không bỏ được món ăn này, hãy học cách ăn ít gây hại nhất.

Ăn mì tôm, chớ uống nốt nước mì mà mắc bệnh

Việc ăn một gói mì vừa nhanh gọn, vừa rẻ tiền, lại có thể nhanh chóng làm no bụng với hương vị khá thơm ngon như vậy, ít ai nghi ngờ rằng, liệu nó có phải là một món ăn vô hại hay không.

Nghiên cứu cho thấy rằng ăn một bát mì ăn liền tương đương với uống 65ml nước tương (hoặc nước mắm), lượng natri trong một gói mì vượt xa tiểu chuẩn bình thường.

Hầu như chúng ta đều biết rằng, tiêu chuẩn về lượng muối được phép ăn để cơ thể khỏe mạnh không được quá 6 gram/người/ngày.

Nhưng trong thực tế, hàm lượng muối trong một gói mì tôm và gia vị đi kèm cao vượt quá 1,8 lần so với trọng lượng tiêu chuẩn.

Mong bác sĩ cho em giải thích các thông tin trên các báo trên có chính xác?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Thông tin trên truyền thông y học đại chúng với trọng điểm là thành phần của mì ăn liền là chính xác về mặt khoa học. Điểm đáng tiếc, có thể nói là điểm thiếu sót trong những bản tin là điều kiện ắt có và đủ để hoạt chất bất lợi cho sức khỏe đủ sức gây bệnh!

Cho dù nhà khoa học có thể băn khoăn, thậm chí lo lắng khi phát hiện những chất có thể gây bệnh, như đã được mô tả trong nhiều bản tin dưới tiêu đề “Hội chứng chuyển hóa” bao gồm: béo phì, tăng mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường… Nhưng bệnh xảy ra hay không còn tùy nhiều yếu tố như: hàm lượng tích lũy trong cơ thể, chức năng biến dưỡng, khả năng giải độc của lá gan, bệnh có sẵn… Như thế, nếu chỉ dựa vào hàm lượng của một vài chất x,y nào đó để kết luận như đó là nguyên nhân chắc chắn dẫn đến bệnh hoạn thì suy đoán này trong đại đa số trường hợp là phỏng đoán phiến diện. Đó cũng là lý do tại sao kết quả xét nghiệm trong phòng xét nghiệm (in vitro) khác xa hệ quả trong cơ thể con người (in vivo).

Dùng mì ăn liền có sinh bệnh hay không hoàn toàn không chỉ tùy thuộc vào hàm lượng mà chịu ảnh hưởng rõ ràng của khả năng dung nạp và tiến độ biến dưỡng cá biệt của mỗi người tiêu dùng. Các kết quả nghiên cứu về cái gọi là tác hại của thực phẩm dưới dạng mì ăn liền cho đến nay vẫn chưa đủ để đi đến kết luận khẳng định. Trái lại, số người đã, đang và chắc chắn ưa chuộng món ăn này, số người đến nay vẫn khỏe, vẫn vui, chính là tiêu chí khách quan và thậm chí thực nghiệm để trả lời cho câu hỏi đang làm nhiều người lo lắng. Đó là liệu nỗi lo về mì ăn liền có làm nỗi lo thái quá? Hỏi nhiều khi đã biết câu trả lời.

– Bạn đọc Ngô Văn Hải – Q.Hoàng Mai, Hà Nội

Tôi thường xuyên và rất thích ăn mì tôm. Tôi thường chế biến món mì theo sở thích như cho thêm thịt, rau hay xúc xích… nhưng tôi nghe nói những thực phẩm ăn theo sẽ khiến cơ thể nạp thêm quá nhiều carbohydrate và chất béo vào cơ thể dẫn tới hàm lượng chất béo, calo tăng cao từ đó gây béo phì và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì như tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao… BS tư vấn xem em nên ăn theo cách nào để vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng?

BS Lương Lễ Hoàng:

Thực phẩm cho dù nhiều năng lượng, giàu dưỡng chất chỉ gây béo phì, chỉ dẫn đến rối loạn biến dưỡng nếu “thực khách” nhập vào mà không dùng. Với người lao tâm lao lực, với người tất bật ngày đêm, mì ăn liền thêm thịt cá có khi còn chưa đủ. Với người ăn không ngồi rồi, đóng đinh trước máy truyền hình, thức khuya quẹt máy tình bảng thì nữa phần mì gói cũng là thừa. Khỏe hay mau bệnh là do có mất quân bình cung cầu hay không!

– Trần Minh Hằng – Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội

Chào bác sĩ,

Em nghe nói, ở nước ngoài người ta có làm nghiên cứu cho thấy rằng ăn một bát mì ăn liền tương đương với uống 65ml nước tương (hoặc nước mắm), lượng natri trong một gói mì vượt xa tiểu chuẩn bình thường. Xin hỏi: ở Việt Nam, thông tin này có đúng với những mì gói đang được phép lưu hành? Mẹ em bị cao huyết áp thì nên ăn mấy gói mì/ tuần để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Xin cảm ơn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Minh Hằng thân mến,

Bản tin trên mạng đúng là “bạt mạng” của tác giả “liều mạng”. Ước gì máy tính của cô lúc đó đã “rớt mạng”. Bản tin so sánh hàm lượng natri nói trên là SAI!

Nếu một gói mì ăn liền cung cấp ngần ấy muối natri thì hàng triệu công nhân, nông dân, người nghèo, học sinh thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa…, những người đã nhờ mì ăn liền để đủ sức lao động, học tập, chắc đã toi mạng vì cao huyết áp.

Không lẽ mì ăn liền được lưu hành trên khắp thế giới từ gần trăm năm là thuốc độc? Tổ chức nổi tiếng hóc búa về chất lượng thực phẩm là FDA ở Hoa Kỳ không lẽ nhắm mắt làm ngơ để cả tỷ gói mì ăn liền được tiêu thụ hàng năm ở Mỹ?

Tùy theo huyết áp đã ổn định hay chưa, bệnh nhân có béo phì hay không mà thầy thuốc chịu trách nhiệm điều trị sẽ tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng.

Em xin hỏi bác sĩ, có phải trụng qua 1 lần rồi mới ăn sẽ an toàn hơn không?

BS Lương Lễ Hoàng: Việc trụng mì qua 1 lần rồi mới ăn là không cần thiết, thậm chí không nên vì làm mất khẩu vị độc đáo của món ăn. Không cần trụng vì mì ăn liền nếu được sản xuất qua công nghệ tiên tiến là sản phẩm đã “chín”.

Em cũng thắc mắc là chất shortening để chiên mì ăn vào sẽ làm xơ vữa mạch máu có đúng không? Mỗi lần ăn mì xong, trong miệng như có 1 lớp màng mỏng đó là shortening dùng để chiên mì? Em xin hỏi shortening có an toàn cho người tiêu dùng? Ăn nhiều có gây bệnh không ạ?

BS Lương Lễ Hoàng: Nếu nhà sản xuất theo đúng quy trình sản xuất tôn trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ chọn phụ gia không gây xơ vữa mạch máu, hay cho dù có dùng chất có khả năng đi nữa cũng không thể gây bệnh với liều quá thấp trong vắt mì gói. Cảm giác vướng một lớp màng trong miệng sau khi ăn mì không liên quan đến thành phần của mì.

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe – AloBacsi.vn

Nguồn: http://alobacsi.com/hoat-dong-cua-chung-toi/bs-luong-le-hoang-bac-si-cua-y-khoa-vui-ve-giao-luu-truc-tuyen-tu-van-cung-ban-doc-alobacsi-a201703271108181c833.htm

Có thể bạn quan tâm
Thực hư mì ăn liền có hại đến gan và thận?
16/11/2021 Sự thật về mì

Cực kỳ mê mì ăn liền nhưng nhiều người ít dám thưởng thức thường xuyên. Một trong những lý do ngần ngại chính là tác hại với gan, thận của mì ăn liền mà ta vẫn thường nghe nhắc tới. Nhưng có thật mì ăn liền hại gan, hại thận như nhiều người vẫn truyền […]

Xem thêm  
Ăn mì tôm có gây hại sức khoẻ?
09/11/2021 Sự thật về mì

Cho rằng ăn mì tôm không tốt và hoàn toàn có hại cho sức khỏe. Điều đó có đúng không? Hãy cùng tìm hiểu 3 thông tin thú vị về mì tôm nhé! Mì tôm có quá trình sản xuất nghiêm ngặt Theo các chuyên gia công nghệ thực phẩm, quy trình sản xuất mì […]

Xem thêm  
Bị nổi mụn có nên ‘quy tội’ cho mì tôm?
09/11/2021 Sự thật về mì

Mì tôm là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, không ít chị em lo ngại ăn nhiều mì tôm sẽ nổi mụn, ảnh hưởng xấu đến làn da. Ngọc Hoa (25 tuổi, TP.HCM) là chuyên viên thiết kế tại một công ty quảng cáo. Cô chia sẻ mì tôm là món ăn yêu […]

Xem thêm  
Bạn muốn cùng chúng tôi
xây dựng thương hiệu
Acecook Việt Nam vững mạnh?