Cực kỳ mê mì ăn liền nhưng nhiều người ít dám thưởng thức thường xuyên. Một trong những lý do ngần ngại chính là tác hại với gan, thận của mì ăn liền mà ta vẫn thường nghe nhắc tới. Nhưng có thật mì ăn liền hại gan, hại thận như nhiều người vẫn truyền tai nhau?
Mất 32 ngày để gan thải độc khi ăn mì tôm, mì ăn liền?
Tất bật với công việc những tháng cuối năm, nhiều hôm lỡ bữa, chị Ngọc (TP.HCM) rất thèm khi xuống khu vực bếp công ty và thấy các bạn đồng nghiệp đang vui vẻ thưởng thức những ly mì ăn liền, những tô mì tôm nóng hổi bên nhau.
Mất 2 phút chế biến, thêm quả trứng trong tủ lạnh hoặc thịt hộp, xúc xích mang theo là thành món ăn thơm ngon, hấp dẫn, cung cấp đủ năng lượng để có sức “chạy deadline” tiếp tục. Thích mì ăn liền vì sự tiện dụng là thế, nhưng chị Ngọc vẫn không khỏi ngần ngừ. Lý do khiến chị thấy lo chính là các bài share trên mạng: mì ăn liền có nhiều tác hại với gan, khiến gan mất đến 32 ngày mới thải độc được hết sau khi ăn!
Nhưng có thật như thế không? PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm cho biết: “Tin đồn gan mất 32 ngày mới thải độc được hết sau khi ăn mì tôm là không chính xác”.
Chuyên gia lý giải, thứ nhất xét về thành phần của mì ăn liền, chúng ta có 1 vắt mì và các gói gia vị đi kèm (gói dầu, gói nêm, một số loại đắt tiền hơn sẽ có gói súp sệt, gói rau củ sấy). Nguồn nguyên liệu để làm nên các thành phần trên là rất phổ biến, không có tác hại với gan. Cụ thể:
“Mì ăn liền cung cấp chủ yếu là chất bột đường do vắt mì làm từ nguyên liệu là bột lúa mì. Quá trình tiêu hóa và hấp thụ mì ăn liền tương tự như khi ta ăn bún, miến, phở. Các thành phần khác kèm theo như rau củ sấy, dầu ăn, gia vị gồm đường, muối, tiêu, hành… đều qua kiểm định chặt chẽ về thành phần, hàm lượng. Đây cũng là những thành phần quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày. Vì vậy, khi nói các thành phần nguyên liệu trong mì ăn liền gây tác hại với gan là không chính xác”, chuyên gia cho biết.
Thứ hai, nếu cho rằng mì ăn liền chứa chất phụ gia gây hại cho gan thì cũng không đúng. Trên thực tế, chất phụ gia được sử dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, có thể xuất hiện ở bất kỳ sản phẩm nào từ sữa, bánh ngọt, đến kem, thịt đóng hộp, phô mai, nước tương, nước mắm… Điều quan trọng là các chất phụ gia trước khi muốn đưa vào danh mục được phép sử dụng đều phải qua quá trình kiểm định vô cùng khắt khe, được chứng minh an toàn với người sử dụng và được cấp phép bởi cơ quan chức năng. Theo đó, nếu một gói mì đã được lưu hành trên thị trường thì phải có công bố chất lượng, các chất phụ gia sử dụng phải tuân thủ thành phần và hàm lượng theo quy định.
Mì ăn liền hại thận chỉ là suy đoán thiếu căn cứ khoa học
Song song với tin đồn mì ăn liền chứa nhiều chất phụ gia độc hại khiến gan mất đến 32 ngày thải độc, thì nhiều người cũng hoang mang khi nghe mì ăn liền chứa nhiều axit oxalic gây sạn thận, hay phụ gia trong mì ăn liền gây ung thư
Với thông tin này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết, axit oxalic là thành phần vốn có trong tự nhiên ở nhiều loại rau củ quả, ngũ cốc như ngò gai, cà rốt, bông cải xanh, lúa mì… Ngoài ra, chúng ta có axit oxalic nhân tạo, dùng trong công nghiệp với tác dụng chủ yếu là tẩy trắng.
“Nhà sản xuất mì ăn liền hoàn toàn không bổ sung axit oxalic nhân tạo vào quá trình sản xuất, vì như đã nói, chất này có tính chất tẩy trắng, trong khi sợi mì cần màu vàng đặc trưng vốn có”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông, việc một số sản phẩm mì ăn liền chứa lượng nhỏ axit oxalic là do trong một số thành phần nguyên liệu (bột lúa mì và rau củ) đã chứa chất này ở dạng tự nhiên. Axit oxalic ở dạng tự nhiên với hàm lượng rất thấp (trong ngưỡng an toàn cho phép) thì không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Người dùng có thể thưởng thức bình thường.
Thực hành dinh dưỡng khoa học là điều tối quan trọng
Hiện nay vẫn chưa có căn cứ khoa học đáng tin cậy phản biện lại thông tin mì ăn liền không chứa những chất gây hại cho sức khỏe nói chung, gây tác hại với gan, tác hại với thận nói riêng, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ, thay vì lo lắng, người dùng nên chú ý chọn các sản phẩm mì ăn liền có thương hiệu nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép bởi các cơ quan chức năng. Song song đó là thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý.
Mì ăn liền với thành phần chính là bột lúa mì được xếp cùng nhóm cung cấp chất bột đường. Bạn cần phải kết hợp nhiều nhóm thực phẩm khác nhau, bởi vì trên thực tế, không có loại thực phẩm nào là tốt nhất và càng không thể là duy nhất để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Chúng ta không thể chỉ ăn cơm trắng mà cần có thêm món thịt, món rau để bữa ăn cân đối dinh dưỡng, với mì ăn liền cũng tương tự như vậy. Bạn nên kết hợp hài hòa mì ăn liền cùng những thực phẩm giàu đạm như thêm vào tô mì 3-4 lát thịt bò, thịt heo hoặc 2-3 con tôm, quả trứng, một ít nấm, đậu hũ, để bữa ăn được cân đối hơn giữa đạm động vật và thực vật. Đồng thời, kèm thêm các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cà chua, cà rốt, để bổ sung đủ lượng chất xơ và vitamin. Khi đó bữa ăn với mì ăn liền không chỉ ngon hơn và còn đảm bảo dinh dưỡng.