Doanh nghiệp đầu tư hơn 20 triệu USD để tăng công suất gấp đôi 5 năm trước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Kajiwara Junichi – Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, công suất lớn, không chỉ nâng cao tính an toàn sản phẩm, công ty còn giảm chi phí sản xuất để tập trung đầu tư, đa dạng sản phẩm mới cho thị trường nội địa lẫn nước ngoài.
Ông đánh giá thế nào về mức độ cạnh tranh ở thị trường mì gói Việt?
Thị trường mì ăn liền Việt Nam ngày càng cạnh tranh gay gắt. Song, đó sẽ là động lực để các công ty nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tốt hơn.
Tiềm năng phát triển của thị trường mì gói cũng như thực phẩm đóng gói tại Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề là doanh nghiệp có tìm ra sản phẩm phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hay không.
Đâu là yếu tố quyết định sự thành công khi kinh doanh mì ăn liền?
Ở Nhật Bản, triết lý mang tên Kaizen đã được áp dụng rộng rãi và đóng góp lớn vào sự phát triển của từng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Nhật Bản.
Triết lý của Kaizen tập trung cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm, song mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng, gia tăng lợi ích sản phẩm để tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng và người hưởng lợi cuối cùng chính là khách hàng. Do đó, bất cứ hoạt động nào không nâng cao giá trị của sản phẩm và sự thỏa mãn của khách hàng thì đều bị loại bỏ.
Với ngành kinh doanh mì ăn liền cũng vậy, muốn thành công phải tập trung vào cải tiến, quản trị chất lượng sản phẩm để thỏa mãn và hài lòng khách hàng. Để làm được điều này thì điều kiện cơ bản quan trọng nhất và yêu cầu tối thiểu nhất là tính an toàn và an tâm.
Ở Acecook, chúng tôi thực hiện ý tưởng và hương vị cho sản phẩm để nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng, bên cạnh đó là hài hòa giữa giá trị và giá bán của sản phẩm.
Để nói về yếu tố quyết định sự thành công khi kinh doanh mì ăn liền, tôi có thể tóm gọn trong các từ khóa gồm: an toàn – an tâm, chất lượng – cải tiến; giá trị – lợi ích và giá cả. Nếu không đảm bảo đủ theo thứ tự này hoặc như xem nhẹ các từ khóa đầu để giảm giá sản phẩm sẽ dẫn đến thất bại.
Acecook từng chi hàng triệu USD mua dây chuyền sản xuất. Việc đầu tư này mang lại những kết quả gì cho doanh nghiệp?
Ở Acecook, chúng tôi đầu tư cho công nghệ nhiều nhất. Năm 2012, chúng tôi xây dựng nhà máy thứ 2 tại TP HCM. Đây là nhà máy hiện đại hàng đầu Đông Nam Á, lắp đặt 3 dây chuyền sản xuất cao tốc với chi phí khoảng 5-8 triệu USD một dây chuyền, tùy từng loại sản phẩm sản xuất.
Những thiết bị tiên tiến nhất hiện nay của công nghệ sản xuất mì ăn liền được lắp đặt tại nhà máy giúp năng lực sản xuất của công ty hiện nay tăng gấp đôi so với 3-5 năm trước. Nhờ đó công ty nâng cao tính an toàn cho mọi dòng sản phẩm, tiết giảm các chi phí sản xuất.
Doanh nghiệp kiểm soát nguyên liệu đầu vào thế nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?
Công ty ý thức rằng, để có được sản phẩm chất lượng cần phải có nguồn nguyên liệu chất lượng. Để làm như vậy, công ty đã kiểm soát nguyên liệu đầu vào bằng cách thường xuyên đánh giá và hướng dẫn nhà cung cấp.
Không chỉ là đánh giá lúc mua nguyên liệu mà còn phải xem họ sản xuất như thế nào, đảm bảo phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng như ISO 9001, HACCP, IFS, BRC… Việc đánh giá tiến hành rất nghiêm ngặt và tái thực hiện định kỳ hàng năm.
Chiến lược sắp tới của Acecook Việt Nam là gì?
Chúng tôi sẽ tập trung việc đưa ngành hàng mì gói phát triển trở lại thông qua việc tích cực cung cấp các thông tin hiểu đúng về mì ăn liền đến người tiêu dùng và phát triển những hương vị, sản phẩm mới theo hướng dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, ngành hàng mì ly và các sản phẩm ăn liền từ gạo, miến ăn liền hiện có sự tăng trưởng rất tốt, do đó, công ty sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển mở rộng nhóm ngành hàng tiềm năng này trong tương tai.
Năm 2017, công ty cũng có kế hoạch gia tăng xuất khẩu. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là tỷ trọng doanh thu xuất khẩu sẽ tăng từ 8% lên 20% trong những năm sắp tới.
Theo Thanh Thư (Vnexpress)