Làm cách nào để ăn mì tôm mà không còn lo nổi mụn? – là câu hỏi của nhiều bạn trẻ, đặc biệt với hội cú đêm do sự tiện lợi và đa dạng hương vị. Sự thực do đâu?
Khi nào ăn mì tôm sẽ bị nổi mụn?
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho tới nay, vẫn chưa có một bằng chứng khoa học hoặc một nghiên cứu nào chứng minh rằng mì ăn liền là nguyên nhân gây nóng trong hay gây nổi mụn. Còn về tình trạng nổi mụn sau khi ăn mì tôm, TS. BS Sơn cho rằng cần phải xem xét một cách cặn kẽ và khách quan vì có thể do nhiều yếu tố và rơi vào các trường hợp sau đây:
● Thứ nhất, những người người bận rộn, có chế độ ăn uống không hợp lý, lạm dụng mì ăn liền quá mức, thường hay thức khuya, sử dụng nhiều nước ngọt có gas. Những yếu tố này đều góp phần làm rối loạn các quá trình chuyển hóa, hấp thu của thực phẩm trong cơ thể, từ đó có thể dẫn đến các thay đổi về hormone, và có thể dẫn đến tình trạng mụn.
● Thứ hai, những người ăn mì tôm và bị mọc mụn thường là học sinh, sinh viên – đây là lứa tuổi các hormone giới tính đang hoạt động mạnh mẽ, các tuyến bã nhờn cũng đang hoạt động mạnh. Thêm vào đó, đây cũng là lứa tuổi hoạt động nhiều, da mặt sẽ phải tiếp xúc nhiều với mồ hôi, bụi bẩn làm tăng nguy cơ hình thành mụn.
Song song đó, TS. BS Trương Hồng Sơn cũng cho rằng không riêng gì mì ăn liền mà thực phẩm nói chung không phải là nguyên nhân gây nổi mụn. Theo đó, xét về khía cạnh dinh dưỡng thì nổi mụn thường là hậu quả của một chế độ ăn uống mất cân bằng kết hợp cùng lối sống, sinh hoạt không hợp lý.
Nguyên nhân chính gây nổi mụn từ đâu? Mì tôm có phải là thủ phạm?
Để giải oan cho mì tôm, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ gây nên tình trạng nổi mụn. Sau đây là các lý do thường được các chuyên gia đưa ra:
1. Sai lầm trong cách chăm sóc da: Khi làn da không được tẩy trang, làm sạch đúng cách sẽ khiến bụi bẩn, mồ hôi, mỹ phẩm tích tụ, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, là nguyên nhân gây mụn, đẩy nhanh lão hóa. Bên cạnh đó việc lạm dụng mỹ phẩm cũng là nguyên nhân làm tổn thương hàng rào bảo vệ da tự nhiên, khiến da bị nổi mụn.
2. Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể: Mụn thường liên quan đến sự biến động của hormone trong cơ thể con người. Tình trạng mụn trứng cá do nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi dậy thì. Do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể đã làm ảnh hưởng đến các tuyến bã nhờn, khiến chúng hoạt động quá mức và sản sinh ra nhiều dầu thừa, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn.
3. Dinh dưỡng mất cân bằng: Trung bình, một người sử dụng khoảng 10% năng lượng tiêu thụ hàng ngày để tiêu hóa và hấp thu thức ăn nhưng tỷ lệ này thay đổi phụ thuộc vào loại thực phẩm mà bạn ăn. Khi sử dụng các loại thực phẩm nhiều năng lượng – chất đạm, chất béo, chất bột đường thì cơ thể phải sử dụng năng lượng để chuyển hóa các thức ăn này. Chất đạm (Protein) mất khoảng 20-30% tổng lượng calo trong chất đạm để tiêu hóa chính nó; tiếp đến là chất bột đường (carbohydrate) cần 5-10% và cuối cùng là chất béo (lipid) với 0-3%. Năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể kết hợp với việc uống quá ít nước sẽ không đủ làm mát cơ thể. Tất cả góp phần khiến cơ thể nổi mụn.
4. Hay căng thẳng stress: Khi bạn cảm thấy stress, cơ thể sẽ sản sinh ra một loại hormone có tên là cortisol. Cortisol khiến vùng dưới đồi của não bộ sản xuất tiếp một loại hormone nữa, có tên là corticotrophin (CRH), kích thích tiết dầu từ các tuyến bã nhờn quanh nang lông. Khi stress quá nhiều, chu trình này xảy ra liên tục dẫn đến các tuyến bã nhờn hoạt động quá nhiều, có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và kéo theo mụn trứng cá.
Nguyên lý tô mì tôm “mát” không gây nổi mụn
Như vậy có thể thấy mì tôm hay mì ăn liền không gây nổi mụn vì đây là một thực phẩm cơ bản tương tự như cơm, bún, phở… bạn hoàn toàn có thể để an tâm thưởng thức mà không lo bị nổi mụn nếu biết kết hợp mì ăn liền với các loại thực phẩm thuộc các nhóm dinh dưỡng khác để món ăn trở nên cân bằng và còn giúp chúng ta cảm thấy ngon miệng hơn.
Hãy đọc thần chú “4-5-1” để hô biến tô mì gói của bạn trở thành món ăn “mát”, thơm và ngon lành. Nguyên lý 4-5-1 là công thức do Bộ Y tế khuyến nghị, giúp bạn tạo nên một bữa ăn đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng.
Cụ thể, một bữa ăn chất lượng cần có:
– 4 cân đối: Cân đối các nhóm chất sinh năng lượng như đạm, béo và bột đường; cân đối giữa đạm động vật và thực vật; cân đối chất béo động vật và thực vật; cân đối các vitamin và khoáng chất.
– 5 trong số 8 nhóm thực phẩm cơ bản: (1) gạo, bột mì; (2) nhóm hạt các loại; (3) sữa và các chế phẩm từ sữa; (4) thịt, cá, hải sản; (5) trứng và các sản phẩm từ trứng; (6) rau xanh thẫm hoặc củ quả vàng; (7) các nhóm rau củ khác; (8) dầu thực vật hoặc mỡ động vật.
– 1 bữa ăn và chế độ dinh dưỡng cần có sự hài hòa giữa các nhóm chất và các nhóm thực phẩm.
Áp dụng vào chế biến món mì gói, bạn có thể thấy mì ăn liền hiện tại đã cung cấp cho bạn năng lượng từ tinh bột, chất béo và đạm. Như vậy, để bữa ăn đạt chuẩn “mát”, bạn hãy thêm vào rau xanh như cải, xà lách hoặc giá đỗ, có thể thêm trứng hoặc ít thịt bò để tăng hương vị. Món mì tôm ngon lành đã sẵn sàng mà không lo nổi mụn. Bên cạnh đó, cũng cần phải kết hợp thêm việc duy trì lối sống lành mạnh, chăm sóc da đúng cách và cung cấp đủ nước cho cơ thể để giữ cho làn da của chúng ta luôn khỏe đẹp.
Chế biến mì tôm không gây nóng, nổi mụn?
Trích nguồn: https://kenh14.vn/cach-an-mi-tom-khong-noi-mun-healthy-va-balance-20211026130623003.chn