Câu hỏi liên quan đến mì ăn liền
Phần 6 – Mì ăn liền gây ung thư chỉ là tin đồn
Nguồn AloBacsi.com (Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí)
Chiều 23/3, bác sĩ của “y khoa vui vẻ” – Lương Lễ Hoàng đã dành hơn 2 giờ đồng hồ để tư vấn, trao đổi trực tiếp cùng bạn đọc AloBacsi về những câu hỏi xoay quanh gói mì ăn liền.
NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN
– Châu Ngọc Minh – Quảng Ngãi
Em chào AloBacsi, gần đây có một số tin đồn ăn mì gói nhiều sẽ gây ung thư? Không biết sự thật là như thế nào ạ?
BS Lương Lễ Hoàng:
Với quan điểm phân tích chi li đế bới lông tìm vết, các nhà nghiên cứu về thành phần đã từ lâu nay tìm ra chất sinh ung thư trong món này, mai tìm ra chất sinh ung thư trong món khác. Từ chất có thể sinh ung thư cho đến chất chắc chắn gây ung thư là một khoảng cách rất xa. Bệnh có thành hình hay không tùy thuộc nhiều yếu tố khác như cơ tạng, sức đề kháng, trạng thái tinh thần… Lo chi chuyện có chất sinh ung thư trong mì ăn liền khi cả tỷ người trên khắp năm châu đã, đang và sẽ tiếp tục dùng vì hữu ích, vì tiện dụng?
Lượng chất gọi là sinh ung thư, cho dù nếu có trong mì ăn liền, liệu có thể mối nguy nếu so với lượng khói thuốc lá nơi công cộng, khói xăng dầu của xe cộ quá tải, của chất thải công nghệ vô tội vạ vào nguồn nước, với nếp sinh hoạt trái ngược với quy luật thiên nhiên, ngủ ít, thức khuya, lạm dụng rượu bia…? Chuyện nào đáng lo hơn?
– Trần Mai Hoa – TX Uông Bí, Quảng Ninh
Thông tin mì tôm gây sạn thận và có chất gây ung thư có đúng không bác sĩ?
BS Lương Lễ Hoàng:
Trong mì ăn liền, khi chia năm xẻ bảy, khi cố quét nhà cho ra rác, các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy chất sinh sạn thận, chất tăng mỡ máu, thậm chí chất gây ung thư! Nghe ghê quá nhưng trên thực tế mắc bệnh hay không là do nhiều yếu tố khác mà cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân hay bỏ sót.
Nếu không hề ăn mì gói liệu có tránh được cao huyết áp nếu sống quá stress, nếu béo phì không giảm cân, nếu sỏi thận không mời cũng đến vừa nín tiểu trong giờ làm việc, vừa lạm dụng chất sủi bọt, nước tăng lực?
Thế thì người không ăn mì gói có tránh được ung thư không? Trăm dâu đổ đầu gói mì ăn liền làm chi khi nạn nhân chính là thủ phạm qua nếp sinh hoạt tạo điều kiện cho bệnh hoạn chiếm thế thượng phong?!
– Đoan Trang – Chung cư Thế kỷ, Bình Thạnh, TPHCM – doantrang_sg…@gmail.com
Đi siêu thị em hay mua mỳ cho con em, các bác nhưng chồng em rất hay cằn nhằn. Bác sĩ biết không, nhìn thấy con em ăn mì Doremon chắc công ty sản xuất sẽ tài trợ mì cho bé ăn cả năm.
Chiều đi học về, trước khi học thêm, chỉ có ăn tô mì là cháu nó hào hứng. Cháu húp hết sạch nước, ăn xì sụp, trông rất yêu. Cháu thích ăn mì nhưng bố cháu thì cấm vì cho là mì độc. Em thì tin là mì không độc vì nếu độc thì sao các nước vẫn cho lưu hành.
Nhưng, làm sao để thuyết phục cho chồng em tin là ăn mì không làm cho con em bị ảnh hưởng đến sức khỏe? Nhờ BS Lương Lễ Hoàng mách nước dùm em ạ.
Em cảm ơn bác lắm. Các câu trả lời của bác đọc dễ chịu và rất “yêu”. Cảm ơn bác nhiều và kính chúc bác sức khỏe.
BS Lương Lễ Hoàng:
Chào bạn,
Bạn không nên tìm cách thuyết phục chồng bạn thông qua chứng minh thành phần, kết quả xét nghiệm… Tiêu chí hiệu quả nhất để minh chứng cho sự hữu ích của chế độ dinh dưỡng chính là hình ảnh vui khỏe của các cháu sau bữa ăn với món ăn ưa thích của trẻ, chẳng hạn với mì ăn liền. Chồng bạn chắc chắn không có đủ luận cứ để phản đối vì dẫn chứng của bạn dựa trên một nguyên tắc vàng của Hippocrates “ai chữa lành người đó có lý”, nói trong trường hợp của bạn “ai nuôi con khỏe, người đó càng có lý”.
– Gia Bảo – baogia74…@yahoo.com
Vì sao mì gói lại có độ dai khác nhau. Cùng một thời gian pha chế nhưng có gói thì dai ngon nhưng có gói lại nở rất nhanh. Có phải mì càng dai thì càng nhiều chất bảo quản không thưa BS?
BS Lương Lễ Hoàng:
Mì ăn liền do thành phần khác nhau nên bản chất phải có độ dai khác nhau. Thêm vào đó, tùy nhiệt độ của nước, tùy lượng nước đủ thiếu mà cọng mì thay đổi độ dai. Với nhà sản xuất “dỏm” mì ăn liền tất nhiên có nhiều chất bảo quản loại hạng nhì.
Với nhà sản xuất “xịn” nhờ công nghệ sản xuất tiên tiến, nên nếu có chất bảo quản bao giờ cũng ít hơn và với “hàng hiệu”. Cách tốt nhất là chọn bạn mà chơi, chọn hiệu mì gói mà gửi đồng tiền mồ hôi nước mắt!
– Vương Quốc Việt – SĐT: 01657435… vietdl…@gmail.com
Nấu mì ở nhiệt độ bao nhiêu mới an toàn cho sức khỏe thưa BS? Có cần phải để sôi đúng 100 độ C thì mới đúng? Nhà tôi có sử dụng máy lọc nước nối với bình nóng lạnh. Do đó, khi pha mì tôi thường lấy luôn nước nóng trong bình này để pha. Tuy nhiên, người nhà tôi thì lại nói nước đó sôi không đủ 100 độ C thì mì sẽ không chín, mà mì không chín thì sẽ sinh ra nhiều chất độc hại? Điều này có đúng không ạ?
BS Lương Lễ Hoàng:
Nếu chỉ để ăn không cần phải đúng nước sôi 100 độ C. Nhưng để thơm ngon vì có thơm mới ngon phải cần nước sôi 100 độ C. Tương tự như trà đạo, nếu trước đó dùng nước sôi tráng tô càng hay vì sau đó trong lúc vắt mì “trăm hoa đua nở” chiếc tô dùng ăn mì vẫn ấm nên tránh được chuyện giảm nhiệt quá nhanh khiến mì nỡ nhưng hết dai.
Nước nóng trong bình nóng lạnh không đủ nóng đề mì ngon. Nước không đủ sôi chỉ thất thế ở khẩu vị. Không độc hại gì hết vì mì còn trong gói đã là “chín” qua công nghệ sản xuất tiên tiến. Ngon hơn nhiều, dù tốn công nên ít người chịu làm, là nấu mì trong nước sôi ít phút rồi vớt ra và cho nước dùng vào sau.
– Trần Huyền Trân – huyện Chợ Quán, tỉnh Đồng Nai
Kính chào AloBacsi,
Tôi có đọc được thông tin trong 1 bài viết, xin được trích dẫn: “Việc thường xuyên ăn mì ăn liền sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim, ung thư dạ dày, và luôn là một gánh nặng cho thận. Đối với phụ nữ và trẻ em gái, ăn nhiều mì ăn liền không chỉ có hại cho da, mà còn làm tăng hội chứng tiền kinh nguyệt, trẻ em bị dậy thì sớm…”. Xin hỏi tính xác thực của thông tin này, hiện tôi đang rất lo. Chân thành cảm ơn.
BS Lương Lễ Hoàng:
Hai điểm nên lưu ý trên bản tin nhuộm màu xám thê lương. Trước hết, “thường xuyên” có nghĩa là nếu không cường điệu thì vẫn an toàn. Cần gì phải là mì ăn liền, thực phẩm nào dùng cường điệu cũng bất lợi cho sức khỏe. Kế đến, tăng nguy cơ có nghĩa là CÓ THỂ bệnh chứ không hẳn là hễ đụng vào là bệnh.
Vậy thì, muốn yên tâm trong bối cảnh của cuộc sống rất thừa nỗi lo, không chỉ riêng với mì ăn liền, với chế độ dinh dưỡng nào cũng thế, đừng thường xuyên đến độ cường điệu và sống sao để sức đề kháng đừng bị bào mòn thì có gì phải lo với một nhúm kết quả nghiên cứu chỉ để khai thác lo sợ của người đọc?
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe – AloBacsi.vn