Gia vị đã gắn liền với sức khỏe từ khi có bóng dáng con người trên mặt địa cầu. Y học dân gian nào, từ Đông sang Tây, cũng gắn liền với kinh nghiệm hoán chuyển gia vị từ tủ bếp vào tủ thuốc. Không ai buồn hỏi chị bán cháo lòng vì sao có gừng cháo mới đi sâu vào lòng người? Không ai hỏi anh nấu phở vì sao phải có hành chần mới …phở? Nhưng bấy nhiêu chưa hết cái hay của gia vị. Khéo hơn nữa nếu công năng đa dạng của món dùng để nêm nếm được diễn giải dưới lăng kính y học thực nghiệm. Từ nhận thức đó, Kim Ánh (KA) đã có cuộc trao đổi cùng Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (LLH) xung quanh câu chuyện thú vị này.
KA: Thầy thuốc thường đòi chứng cứ rành rành mới chịu tin. Thế thì việc dùng gia vị, cụ thể để giải cảm, có cơ sở khoa học nào không, hay chỉ là “thương người thương cả đường đi”, thưa BS?
LLH: Gia vị không chỉ là nhân tố quyết định cho hương vị và khẩu vị độc đáo của món ăn. Gia vị vì có mặt trong món ăn thường ngày nên đã, đang và sẽ tiếp tục gắn liền trực tiếp với chất lượng cuộc sống và gián tiếp với sức khỏe trên cả hai mặt tâm thể của người dùng gia vị. Hành, tỏi, nghệ, riềng, quế, gừng, hồi, tía tô… nhờ chứa nhiều hoạt chất sinh học tác động hài hòa trên hệ miễn dịch, nên là đòn bẩy để thực phẩm đúng nghĩa ăn mà nên thuốc. Dưới lăng kính y học hiện đại, thầy thuốc ngày nay đều rõ về tác dụng kháng khuẩn của gingerol trong gừng, giải độc của flavor-noids trong tía tô, giảm đau của alkaloids trong hồi, kháng viêm của glycyrrhizin trong cam thảo, trợ lực tuần hoàn của cinnamon trong quế, thanh nhiệt phát hãn của tinh dầu trong hoắc hương… và còn nhiều nữa.
KA: Thưa BS, thế thì nhà khoa học cần phải làm gì để gia vị ngon thành thuốc tốt?
LLH: Tất nhiên không thể sao y bản chánh từ mấy ngàn năm trước theo kiểu “ông xưa ra sao nay tui cũng vậy”. Quan trọng chính là làm sao thừa kế kinh nghiệm của y học dân gian nhưng phát huy thành sản phẩm đại trà tiện dụng, qua kết quả nghiên cứu thực nghiệm, qua công nghệ bào chế với kỹ thuật hiện đại và nhất là quảng bá với ngôn ngữ của y học thực nghiệm thời @.
KA: Được biết BS đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu gia vị giải cảm. Vì sao?
LLH: Nay cảm mai cúm, theo cảnh báo liên hồi của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), là một trong các đòn bẩy xói mòn sức đề kháng khiến nhiều căn bệnh khác thừa nước đục thả câu. Gút mắc chính ở điểm trong cùng bối cảnh sinh hoạt không hẳn ai cũng dễ cảm như ai. Bệnh chỉ dễ lọt vào nhà khi sức kháng bệnh của gia chủ leo lét như đèn treo trước gió. Éo le chính ở điểm thuốc hạ nhiệt, thuốc giảm đau hiện nay không thiếu, thậm chí thừa là khác, nhưng quả thật không dễ tìm được thuốc không phản ứng phụ, thuốc đồng thời kích hoạt sức kháng bệnh. Thầy thuốc ở CHLB Đức, nơi chắc chắn không thiếu thuốc hóa chất tổng hợp, ắt hẳn có lý do chính đáng khi tìm về các công thức dược thảo bí truyền của Hildegard von Bingen, nữ tu sĩ nổi tiếng về tài dùng gia vị làm thuốc. Y sĩ đoàn ở khắp châu Âu tất nhiên không vô cớ vừa cảnh báo việc lạm dụng thuốc hạ sốt, giảm đau vì phản ứng phụ của thuốc, vừa khuyến khích vận dụng hoạt chất sinh học từ nguồn thiên nhiên. Còn dược liệu nào gần tầm tay cho bằng gia vị?
KA: Gia vị giải cảm, nếu được kết hợp hài hòa, có gì nổi bật nếu so với thuốc hạ nhiệt thông thường?
LLH: Việc kết hợp gia vị có công năng giải cảm trong món ăn thường ngày không là điều mới lạ. Riêng với nghệ thuật gia chánh Việt Nam, quế, hồi trong phở; gừng, tía tô trong cháo thương hàn; trần bì, cam thảo trong ô mai; hoắc hương trong lẩu hải sản… đã từ ngàn đời là nét y thuật độc đáo trong món ăn dân dã ba miền. Tất nhiên phải nhanh tay gõ cửa thầy thuốc trong trường hợp sốt cao, đặc biệt ở trẻ con và người cao tuổi, để tránh hệ quả đáng tiếc trên tim mạch, thần kinh… Riêng trong đa số trường hợp cảm cúm, vì thường khi không sốt quá cao nên nếu có phương tiện giải nhiệt hòa hoãn và nhất là an toàn, thì đó là biện pháp hợp lý, thay vì đánh bồi vào cơ thể đã suy nhược với hóa chất tổng hợp bao giờ cũng kéo theo phản ứng phụ.
KA: Vì sao cần kết hợp nhiều loại gia vị cho người nay cảm mai cúm?
LLH: Trước hết, gói gia vị phải được sang lọc để bao gồm các nguyên liệu không chỉ “ăn được” mà thậm chí “ăn ngon” để dùng thường nhưng không ngán. Nạn nhân của cảm cúm phải đối đầu cùng lúc với nhiều triệu chứng như sốt hâm hấp ớn lạnh, đau đầu, mỏi cơ, ho đàm, sổ mũi, đau họng, khan tiếng… Gia vị giải cảm vì thế cần nhiều nhân tố tương tác về mặt hiệu năng để trợ lực toàn diện cho thực khách.
KA: Cảm cúm gắn liền với sốt. Hạ nhiệt nhờ gia vị giải cảm có gì hay, thưa BS?
LLH: Nếu đối với chứng thuốc hạ sốt kinh điển, gia vị giải cảm tác động tương đối hòa hoãn thông qua cơ chế điều chỉnh hệ thần kinh giao cảm và qua đó dẫn đến phản ứng phát hãn của mạng lưới tuyến mồ hôi ngoài da với lợi điểm là không gây phản ứng phụ, như thường gặp với hóa chất tổng hợp. Thêm hai điểm khéo:
- Gia vị giải cảm đánh thức sức đề kháng và qua đó ức chế tình trạng dị ứng do cơ thể dễ phản ứng sai lệch khi cảm cúm.
- Gia vị giải cảm chống cảm giác “nội nhiệt” gây bứt rứt, phiền muộn, táo bón, thay vì chỉ hạ sốt theo kiểu “thanh nhiệt, thiệt nhanh”.
A: Có thể dùng gia vị cảm ngay cả khi chưa cảm cúm để đón đầu căn bệnh không, thưa BS, thay vì đợi nước đến chân không?
LLH: Liệu pháp hợp lý cho người dễ cảm khi thời tiết thay đổi, mệt mỏi vì lao tâm lao lực, là các món ăn dễ nấu, như mì, phở, cháo, miến… nếu như sản phẩm, bên cạnh bảo đảm an toàn vệ sinh, đồng thời được phối hợp hài hòa với nhiều gia vị thuộc nhóm “thanh nhiệt giải biểu”, nếu nói theo ngôn ngữ tượng hình của Đông Y. Không chỉ nhằm đối phó với phiền toái cản trở chức năng lao động, học tập, cài gia vị giải cảm một cách cân đối trong chế độ dinh dưỡng là phương án đơn giản nhưng hữu hiệu để tiếp sức cho sức đề kháng đã mất trớn khi lên dốc qua cầu.
KA: Tác dụng đổ mồ hôi, sụt sùi như thương như tiếc của gia vị có gì khéo, hay cũng chỉ là đau đâu chữa đó, thưa BS?
LLH: Đổ mồ hôi do trương mạch ngoài da là biện pháp hạ nhiệt an toàn. Phản ứng này đồng thời cho thấy tác động điều chỉnh đồng bộ trên hệ thần kinh giao cảm, cảm thụ thần kinh ngoài da và mạng lưới vi mạch dưới da. Tác dụng phát hãn vì thế là đòn bẩy để giải quyết các triệu chứng khó chịu trong cảm cúm như ho đàm, đầy bụng, chướng hơi, táo bón… Gia vị giải cảm thực sự nên thuốc khi “thực khách” ghi nhận phản ứng xuất tiết mồ hôi trên toàn cơ thể bắt đầu ngay giữa bữa ăn và tăng đều trong khoảng 15 – 30 phút sau bữa ăn. Gia vị giải cảm vì thế cũng là hình thức thanh lọc cơ thể qua tuyến mồ hôi rải đều trên mặt da. Nếu nói một tượng hình, ai khỏe cho nổi nếu cơ thể ngập rác.
KA: Có dẫn chứng nào cho thấy gia vị giải cảm có tác dụng phòng bệnh, thay vì đau lần nào chữa lần đó?
LLH: ASO (Antistreptolysin O) là trị số xét nghiệm sinh hóa phản ánh mức độ tác hại của độc tố vi khuẩn, đặc biệt trong vùng hầu họng của đối tượng có tiền căn viêm xoang, viêm tai giữa, viêm nha chu, viêm họng mãn… Trị số này hầu như tăng cao trong nhiều trường hợp cảm cúm và là đòn bẩy về lâu về dài dẫn đến bệnh tim, bệnh thận, bệnh khớp… nếu như cảm cúm xảy ra quá thường, thời gian phục hồi kéo dài quá lâu và tình trạng mỏi mệt đeo cứng nạn nhân. Kết quả áp dụng gia vị giải cảm cho đối tượng đã được xác minh tăng ASO đi kèm với viêm họng cho thấy trị số này nhanh chóng trở về định mức bình thường. Dẫn chứng nêu trên cho thấy, gia vị giải cảm nên được phối hợp cho thường trong chế độ dinh dưỡng như biện pháp phòng bệnh cho người có vùng hầu họng quá nhạy cảm với thời tiết, người phải sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm, cho bệnh nhân kiệt sức đề kháng vì bệnh mãn tính, cho đối tượng hết pin sau hóa – xạ trị.
KA: Thiếu gì thuốc nghe rất oai, vì sao bác sĩ lại khoái gia vị vậy, thưa BS?
LLH: Tính lại cho cùng còn quà tặng nào của thiên nhiên đã đồng hành năm này qua năm khác với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người cho bằng gia vị, cho bằng rau, hạt, lá… thường khi tầm thường trong đời thường nhưng hễ “gia” vào món ăn thì cuộc đời thêm thi “vị”. Thêm vào đó, theo y học cổ truyền Ấn Độ, gia vị thậm chí khéo hơn thuốc vì gia vị ngon hơn thuốc”! Thuốc đắng tuy dã tật nhưng bì sao nổi gia vị thơm phức.
KA: Trước khi chia tay đợi đến tháng tới lại lên, bác sĩ có gì tâm đắc dành cho người tứ thời cảm mạo?
LLH: Để thay chuyện muốn kể, xin diễn giải bằng quan điểm của tiền nhân ngành y. Đó là “Hãy dùng thực phẩm như dùng thuốc” (Hippocrates); “Thiên nhiên là giải pháp phù hợp nhất với sức khỏe con người” (Paracelsus) và “Thầy thuốc giỏi chữa bệnh khi bệnh chưa phát” (Hoàng Đế Nội Kinh). Trong thời buổi nhiễu nhương với phụ gia ác hơn thuốc độc, được ăn ngon để sống vui, sống khỏe còn muốn gì hơn!
(Trích từ Tạp chí Sức Khỏe Số 197, phát hành ngày 5/5/2019, được sự cho phép của tác giả)