Mì gói có thể ăn liền, chỉ những giá trị bên trong là tồn tại mãi
Bất chấp sự ra đời của đủ loại cao lương mĩ vị, mì gói vẫn là thực phẩm không thể thiếu nhờ những giá trị phi vật thể của nó.
Nếu hỏi đâu là món ăn yêu thích của mỗi người, hẳn sẽ có hàng trăm câu trả lời khác nhau. Nhưng nếu hỏi đâu là món ăn quen thuộc nhất, nhà nào cũng có, thì hẳn đó là mì gói.
Mì gói đã tồn tại qua bao thế hệ, mặc kệ sự khác biệt về khẩu vị cá nhân, hay sự ra đời của bao loại cao lương mĩ vị nóng sốt, thì sợi mì dai dai cùng gói gia vị giản dị, không rau không thịt vẫn có vị trí quan trọng trong lòng mỗi chúng ta.
Chậm rãi suy nghĩ, liền nhận ra mì gói gắn bó với đủ khía cạnh hỉ nộ ái ố của cuôc sống, chứ chẳng đơn giản là chuyện dở hay ngon.
Mì gói – Nhân chứng lịch sử của thế giới…
Nhà nhân chủng học Deborah Gewertz từng viết hẳn một quyển sách để phân tích ảnh hưởng của… mì ăn liền tới đời sống con người, trong đó bà miêu tả mì gói là “phát minh của nhân loại”, là “đĩa thức ăn nhân chủng học” giúp chúng ta hiểu được lịch sử, văn hóa, tình cảm của nhiều thế hệ và chủng tộc khác nhau.
Rõ ràng, đối với mỗi cá nhân và quốc gia, mì gói lại đại diện cho một ý nghĩa khác biệt.
Khi vừa ra đời tại Nhật Bản, đó là nhân chứng sinh động cho đời sống hậu Thế chiến. Mì gói ra đời vì nạn đói, khi người Nhật muốn tìm ra loại lương thực rẻ tiền, dễ chế biến và dễ di chuyển (dựa trên thực tế người Nhật thậm chí không thể có nhà ở cố định). Nhắc đến mì gói là nhắc đến một giai đoạn cơ cực của dân tộc, khi nghị lực sống của người Nhật phát triển mạnh mẽ và tỏa sáng hơn bao giờ hết.
Tại Hàn, mì ăn liền đôi khi là một góc tối buồn bã đằng sau cái xã hội hiện đại và hoa lệ bậc nhất châu Á. Những người lao động ở Hàn chào nhau bằng câu: “Bạn đã ăn mì chưa?” thay vì ăn cơm. Đầu năm 2019, khi một người lao động tử nạn, người ta tìm thấy trong ba lô của anh một chai nước và… gói mì ăn dở. Tại Hàn Quốc, mì ăn liền mang đến xúc cảm vừa xót xa vừa trân trọng, khi nó là người bạn đồng hành, là tiếng nói mạnh mẽ và chân thực của những tầng lớp đáy ít ai biết tới.
Mì gói mang màu sắc hài hước hơn ở Mỹ. Theo tác giác Deborah, nó là món ưa thích số một của… tù nhân tại đất nước này. Các tù nhân thích biến tấu mì gói với đủ nguyên liệu lạ lùng như rau mùi, phô mai, bơ đậu phộng, v.v… “Họ tìm kiếm sự tự do” – Deborah giải thích – “ Với mì ăn liền, bạn có thể làm mọi thứ và tạo ra những biến tấu mang đậm dấu ấn cá nhân. Đây là điều những người đằng sau song sắt luôn khao khát.”
… đến kí ức với người Việt
Không nằm ngoài xu thế chung, bản thân Việt Nam cũng có mối quan hệ gắn bó với mì ăn liền, theo cách hoàn toàn độc đáo, không lớp người nào giống lớp người nào.
Pizza, gà rán, trà sữa trân châu có thể xa lạ với ông bà cha mẹ bạn, nhưng khi nói đến mì gói, chúng ta lập tức có một tiếng nói chung. Từ thời xưa xửa xừa xưa, khi người ta phải xếp hàng mua lương thực bằng tem phiếu, mì gói đã xuất hiện rồi. Mỗi khi cửa hàng hết gạo, người ta lại lấy mì thay vào. Mỗi khi nhắc đến mì ăn liền, là nhắc đến đời sống tem phiếu cơ cực lắm, mà cũng cảm động nhiều của một lớp người.
Cho tới thời hiện đại, khi mọi thứ đủ đầy, mì gói lại có thêm nhiều vai trò xã hội khác trong cuộc sống của chúng ta.
Đối với tầng lớp học sinh, đó là mì tôm trẻ em 2.000 đồng/ gói, là mì tôm chua cay, mì tôm khô bò vừa ăn vừa xì xụp trước cổng trường Việt Đức. Những món ăn vặt rẻ tiền không lấy gì làm đặc biệt, nhưng đến giờ vẫn được săn đón, vì ai cũng muốn “mua một vé đi tuổi thơ” qua những hương vị thân thuộc ngày bé.
Với lớp sinh viên, du học sinh, người trẻ “đầu hai đít chơi vơi”, mì ăn liền là kỉ niệm về sự cơ cực. Thân là sinh viên xa nhà, du học sinh, ai cũng từng trải qua những năm tháng ăn mì thay cơm. Gói mì giản dị bỗng biến thành điều kì diệu vào những tối đói lòng, chỉ có sợi mì dai dai và gói nước sốt chua cay, đậm đà mà sao ngon thế. Ấn tượng của “một miếng khi đói” ấy sâu sắc đến mức, khi có thể chi trả cho cơm canh thịt thà, người ta thỉnh thoảng vẫn nhớ về mì úp sinh viên.
Bởi những kỉ niệm như thế, tôi cho rằng chúng ta vẫn sẽ ăn mì gói và yêu mì gói. Người ta có thể dừng tới một nhà hàng vì thức ăn hết ngon, ngừng si mê một món gì đó vì ngán ngấy, nhưng khó mà quay lưng với những hoài niệm và cảm xúc mà mì gói đem lại.