Chẳng mấy thứ trông chán hơn một gói mì ăn liền. Là lựa chọn sau cùng cho một bữa tối, được mua với số lượng lớn và sẵn sàng phục vụ chỉ sau vài phút, mì ăn liền là loại thực phẩm rẻ tiền và chẳng đáng quan tâm.
Những gói mì ăn liền khiêm tốn đã đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế xã hội hiện đại
Chẳng mấy thứ trông chán hơn một gói mì ăn liền. Là lựa chọn sau cùng cho một bữa tối, được mua với số lượng lớn và sẵn sàng phục vụ chỉ sau vài phút, mì ăn liền là loại thực phẩm rẻ tiền và chẳng đáng quan tâm.
Tuy vậy, sự thực là, những đặc tính vô cùng khiêm nhường ấy lại khiến mì ăn liền trở thành một nguồn lực gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên thế giới.
Chuyện mì ăn liền đi đâu cũng thấy, từ các trường đại học giàu có nhất đến những thành thị nghèo nhất ở các quốc gia đang phát triển, đã hấp dẫn ba nhà nhân chủng học Deborah Gewertz của Đại học Amherst, Frederick Errington của Đại học Trinity, và Tatsuro Fujikura tại Đại học Kyoto.
Họ quyết định tìm hiểu sự xuất hiện của món ăn này ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và New Guinea, tầm quan trọng của mức giá, tính cơ động và bảo quản khô của mì ăn liền. Tất cả được ghi lại trong cuốn sách “Những câu chuyện về mì ăn liền: Sự lên ngôi của một ngành công nghiệp thực phẩm trong thế kỷ hai mốt” (The Noodle Narratives: The Global Rise of an Industrial Food into the Twenty-First Century).
Rõ ràng, sự hiện diện khủng khiếp của mì ăn liền gần như rải kín khắp nơi trên thế giới. Năm 2012, theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, đã có khoảng 100 tỷ gói/cốc mì đã được bán ra, tức là bình quân mỗi người sẽ ăn 14 gói mì/năm. Các gia vị chua cay bên trong gói mì cũng được gia giảm phù hợp với khẩu vị địa phương từ châu Á cho đến Mexico.
Một khảo sát tiến hành ở khu dân cư ở Tokyo cho thấy, mì ăn liền đã đánh bại máy vi tính, karaoke và máy nghe nhạc Walkman để trở thành phát minh có ảnh hưởng nhất của Nhật Bản trong thế kỷ 20.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy mì ăn liền có vai trò phức tạp vượt xa khỏi mục đích tìm hiểu ban đầu của họ. Mì ăn liền, theo họ lập luận, là một bộ phận của “vốn lương thực”, nó cho phép đói nghèo tồn tại và tạo ra một tầng lớp người tiêu dùng ở dưới đáy của kim tự tháp kinh tế. Đồng thời, mì ăn liền cũng có lợi ích, là cung cấp dưỡng chất giá rẻ cho người nghèo.
Liệu rằng Koki Ando, con trai của người phát minh ra mì ăn liền, có đúng khi tuyên bố rằng sản phẩm này có thể cứu cả thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Mì ăn liền năm 2010? Để tìm câu trả lời, phóng viên tờ Boston Global đã phỏng vấn bà Deborah Gewertz (1 trong 3 nhà nhân chủng học đã tham gia nghiên cứu).
Hỏi: Mì ăn liền có được xem là một “phát minh”, thưa bà?
Bà Gewwertz: Người Nhật có món mì ramen truyền thống từ lâu đời. Chúng ta đang nói về món mì ramen thực sự, với các thành phần phức tạp và nước súp được chế biến kỳ công và mất nhiều thời gian với tất cả những nguyên liệu và công thức tinh túy nhất.
Vào năm 1958, sau chiến tranh, nhiều người đã bị đói… Đây là một phần của huyền thoại được kể trong viện bảo tàng:
“Một người đàn ông tên Momofuku Ando, khi chứng kiến cảnh những người đồng hương của mình bị đói và ông muốn giúp đỡ họ bằng cách tạo ra một món ăn không tốn kém, bảo quản được lâu, ngon miệng nhưng không mất thời gian chuẩn bị…
Ông nhớ lại các nguyên tắc làm món tempura*, và sử dụng nguyên tắcchế biến và chiên nhanh của món ăn này để tạo ra món mì ăn liền của mình. Việc cần làm là khiến mì trở nên khô và xốp, bằng cách cho chúng chao qua một bể dầu. Kết quả là mì được hút khô nước rất nhanh.
Ông Ando đã thử nghiệm không mệt mỏi và sau đó bắt đầu kinh doanh món mì ăn liền đầu tiên trên thế giới”.
* Tempura là một món ẩm thực của Nhật Bản gồm các loại hải sản, rau, củ tẩm bột mì rán ngập trong dầu. Bột để làm tempura là thứ hỗn hợp nhão của bột mì, lòng trứng gà và nước nguội. Dầu để rán là hỗn hợp dầu ăn thông thường với dầu vừng.
Tại sao bà quyết định nghiên cứu về mì ăn liền?
Mì ăn liền xuất hiện rất nhiều trong ngành nhân chủng học của chúng tôi. Có thể nói, rất nhiều người dân ở Papua New Guinea, nơi chúng tôi (bà Deborah Gewertz – Đại học Amherst và ông Frederick Errington – Đại học Trinity) đang làm việc từ những năm 60, 70, họ đã, đang ăn mì ăn liền và nói chuyện về mì ăn liền. Có người từng nói: “Nếu không còn mì gói, sẽ chẳng còn chút hi vọng nào”.
Điều gì khiến mì ăn liền khác với bất kỳ loại thực phẩm sản xuất hàng loạt nào khác vậy?
Điều thú vị nhất mà chúng tôi nhận thấy là gần như tất cả mọi người trên thế giới đều đã ăn mì ăn liền, vì các lí do khác nhau và với các túi tiền khác nhau. Bởi vậy, trong một vài mối liên kết, mì ăn liền bỗng trở thành một câu chuyện toàn cầu về cách con người chúng ta kết nối với nhau và khác biệt lẫn nhau.
Ý nghĩa của mì ăn liền trên các thị trường khác nhau (mà bà nghiên cứu) có sự khác biệt ra sao?
Ở Nhật Bản, thị trường mì ăn liền đã bị bão hòa.Người Nhật luôn có sẵn món mì ramen thực sự của họ. Vậy mà mỗi năm vẫn có đến 600 chủng loại mì ăn liền mới với lớp vỏ ngoài hào nhoáng được tung ra và giới thiệu vào thị trường này.
Còn Mỹ là một thị trường cơ bản, một thị trường hàng hóa.Người ta mua mì ăn liền vì chúng có giá rẻ. Có thể kể đến 3 phân khúc ở thị trường mì ăn liền Mỹ.
Phân khúc lớn nhất ở thị trường này dành cho những người nghèo.Họ là những người làm việc sau những quầy bán đồ ăn nhanh và hưởng lương theo giờ. Một người từng trả lời phỏng vấn, rằng ông ta ăn mì gói vào bữa sáng và bữa trưa, nhưng không bao giờ dùng để ăn tối, bởi vì nếu vậy thì thật đáng buồn.
Phân khúc thứ hai là các tù nhân. Họ mua mì ăn liền tại kho lương và trộn chúng với các thành phần hỗn độn khác, từ bánh ngọt, bơ đậu phộng và mứt, để thành phiên bản mì ăn liền có hương vị của tự do. Họ mua chúng vì họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với món ăn này.
Và phân khúc thứ ba, đương nhiên rồi, các sinh viên đại học... Họ không được nấu nướng trong phòng ký túc và bởi vậy mì gói trở thành món ăn thường ngày không thể thiếu. “Chúng tôi không được phép nấu nướng trong phòng nên chúng tôi úp mì ăn liền và ngắm hoàng hôn. Dường như tôi sống cùng với mì gói”.
Và ở Papua New Guinea, mì ăn liền đã đổ bộ từ những năm 80. Thời điểm đó, nhiều người dân đã rời làng mạc để lên thành phố, và rất nhiều trong số đó trở thành những người đói rách. Họ đã không chỉ phụ thuộc vào mì ăn liền, mà họ còn thực sự thích chúng vì lý do khác: Ai cũng có thể bước vào cửa hàng và mua mì gói. Mọi người thực sự thích được trải nghiệm lựa chọn rất nhiều sản phẩm tùy chọn. Điều này đã thay đổi người dân Papua New Guinea, biến họ trở thành những người tiêu dùng.
“Nếu bạn có thể tìm thấy các sản phẩm dành cho những người ở “dưới đáy kim tự tháp”, bạn có thể không kiếm được nhiều tiền từ một vài người, nhưng bạn sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ tất cả những người đó”.
Bà nói rằng những người “ở dưới đáy kim tự tháp” được thiết kế là phân khúc thị trường mục tiêu của các nhà sản xuất mì ăn liền. Bà có thể giải thích được chứ?
C.K. Prahalad đã viết một cuốn sách rất có ảnh hưởng mang tên “Kho báu ở dưới đáy của Kim tự tháp” (The Fortune at the Bottom of the Pyramid).
Ông ấy cho rằng, mặc dù người nghèo có rất ít tiền, nhưng tiền của tất cả người nghèo lại là con số lớn. Do đó, nếu bạn có thể tìm thấy các sản phẩm dành cho những người ở “dưới đáy kim tự tháp”, bạn có thể không kiếm được nhiều tiền từ một vài người, nhưng bạn sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ tất cả những người đó.
Nếu bạn có thể bán hàng cho những người ở dưới đáy kim tự tháp và cho họ quyền trải nghiệm, lựa chọn và thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, họ sẽ làm dịch chuyển nền kinh tế… Và kim tự tháp cũng sẽ dịch chuyển và tiến hóa lên.
Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng mì ăn liền nằm ở “dưới đáy kim tự tháp”, nhưng hãy thay đổi cách nhìn nhận vấn đề rằng: càng nhiều đồ ăn đến từ những nơi khác, càng ít đảm bảo an toàn.
Vậy tương lại của mì ăn liền là gì?
Tôi nghĩ là mì gói sẽ không thể dừng lại… Có thể thấy rằng những người rất, rất, rất nghèo luôn cần nguồn năng lượng để sống.
Chúng tôi không cho rằng mì ăn liền sẽ cứu thế giới với bất cứ ý nghĩa nào, nhưng chúng tôi có thể kết luận, một cách khá miễn cưỡng, mì ăn liền mang nhiều điều tốt hơn là có hại đến những người nghèo. Chính xác thì chúng không nuôi dưỡng họ, mà là giúp họ tồn tại.
Theo Kiến Anh (Cafebiz) / Trí Thức Trẻ/The Boston Global